Ngậm bình khi ngủ: Dễ sâu răng

Khi phát hiện trẻ trong nhà có dấu hiệu sâu răng, các ông bố bà mẹ thường nghĩ do người lớn vệ sinh răng trẻ không kỹ, chọn kem đánh răng không phù hợp… mà ít ai biết còn một nguyên nhân rất phổ biến: trẻ bú bình quá lâu, thường xuyên.

Nguyên nhân

Sâu răng do bú bình là tình trạng các răng bị phá huỷ một cách nhanh chóng, thường xảy ra ở các răng phía trước hàm trên và hàm dưới ở trẻ dưới ba tuổi hoặc nhũ nhi có thói quen bú bình ban đêm.

Trong lúc ngủ, chỉ có một lượng nhỏ nước bọt được tiết ra để làm giảm axít trong miệng và bảo vệ răng, nếu cho trẻ ngậm bình sữa trước khi ngủ, đường từ trong sữa sẽ đọng lại trên răng bé. Những vi trùng gây sâu răng hiện diện trong miệng sẽ sử dụng chất đường này làm thức ăn, sau đó lên men thành axít phá huỷ răng. Mỗi lần trẻ bú bình, axít sẽ tấn công khoảng 20 phút hay lâu hơn, sau nhiều lần bú bình như vậy các răng sẽ nhanh chóng bị “sâu ăn”. Thường thấy là các răng phía trước hàm trên của bé có các lỗ sâu lớn, màu đen sẫm, các răng này có thể bị phá huỷ dần rồi cuối cùng gãy ngang.

Sâu răng do bú bình còn làm răng trẻ bị đau nhức, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống. Nếu bị sâu trầm trọng, răng có thể bị nhiễm trùng nặng phải nhổ, khiến trẻ còn gặp phải các vấn đề: phát âm không chuẩn, răng mọc lệch, làm các răng vĩnh viễn có màu vàng hay nâu.

Cách phòng ngừa

Viện Hàn lâm nha khoa trẻ em của Hoa Kỳ đưa ra các hướng dẫn sau trong việc phòng ngừa sâu răng do bú bình:

Không để trẻ ngủ với bình sữa hoặc nước trái cây, nước ngọt ngậm trong miệng: nếu bé bú bình mới ngủ được thì chỉ cho bé ngậm bình nước thường và lấy bình ra khi bé đã ngủ. Luôn nhớ rằng chỉ cho bé bú bình vào những bữa ănchính, không nên dùng bình sữa như “cục ghiền” cho bé ngậm chơi hay vào những lúc đi ngủ, nhất là ban đêm. Nếu bé cần ngậm núm vú giả những lúc đi ngủ và vào ban đêm thì phải bảo đảm núm vú sạch sẽ và không bị dính chất đường.

Tập cho trẻ uống sữa bằng ly càng sớm càng tốt khi bé được một tuổi. Khi uống sữa bằng ly, chất đường trong sữa sẽ không đọng lại trên răng bé và bé cũng không thể đòi mang lên giường khi đi ngủ. Cần phải chấm dứt bú bình khi trẻ đã hơn một tuổi.

Luôn luôn giữ gìn miệng của bé sạch sẽ sau mỗi lần ăn hay bú. Vệ sinh răng miệng cho bé, dùng gòn hay gạc chùi sạch răng cho bé, cần tập cho bé có thói quen chải răng từ các răng sữa mọc đầu tiên và hướng dẫn bé cách sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch kẽ răng khi tất cả các răng sữa của bé đã mọc, thường vào lúc 2 – 2,5 tuổi.

Khám răng cho trẻ định kỳ: nên đưa bé đến bác sĩ răng hàm mặt khám răng định kỳ khi bé được từ sáu tháng tuổi đến một tuổi để phát hiện những răng sâu mới phát. Nếu nơi bạn cư ngụ không được cung cấp nước có fluor dùng để phòng ngừa sâu răng, nên đến bác sĩ răng hàm mặt tư vấn cách bổ sung fluor cho trẻ. Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra răng cho bé nếu thấy có những đốm sâu răng sẫm màu trong miệng bé.

Răng sữa không quan trọng?

Một số người thường có suy nghĩ răng sữa không quan trọng, không cần chăm sóc vì nó sẽ được thay thế. Đây là một quan niệm sai lầm. Răng sữa ở trẻ cũng quan trọng như răng vĩnh viễn, góp phần tạo nên nụ cười đẹp, giúp trẻ tự tin hơn. Răng sữa khoẻ mạnh còn giúp trẻ nói chuyện, ăn, nhai, dinh dưỡng tốt, đồng thời giữ cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên đúng chỗ, đều và đẹp.

Chúng ta nên biết dưới mỗi răng sữa có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc và phía sau các răng cối sữa là các răng cối vĩnh viễn. Những răng này mọc lúc trẻ lên sáu tuổi. Ngoài chức năng nhai, răng sữa còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương hàm và giữ đúng vị trí cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này. Nếu vì lý do nào đó răng sữa chậm rụng hay mất quá sớm thì các răng vĩnh viễn sau này mọc lên có thể bị chen chúc, không đều và hậu quả là đưa đến xáo trộn khớp cắn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *